TIN TỨC - SỰ KIỆN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 47
Số lượt truy cập: 3300085
QUẢNG CÁO
NGƯỜI THẦY NGHĨ GÌ TRONG MÙA HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO? 11/14/2019 2:49:38 PM
Tháng 11 đến với những cơn mưa, một vài lần hờn giận của Thủy Tinh khiến Lệ Thủy quê tôi như một đôi mắt ầng ậng nước, trĩu buồn. Những cơn gió lạnh buốt đến dồn dập hơn và thầy trò chúng tôi luôn luôn thấp thỏm đề phòng với những cơn bão, lũ có thể đến bất cứ lúc nào.

Tháng 11 chỉ trở nên ấm áp hơn khi chúng tôi nghĩ về một mùa hiến chương nhà giáo mới, một ngày lễ trọng đại của thầy, cô giáo trên khắp cả nước. Tháng 11 chạm ngõ, bất giác tôi nghĩ về những trách nhiệm, những trăn trở, những cái được, cái chưa của một người đứng trên bục giảng như bản thân mình.

nt001.jpg

Chúng ta đã quen với những câu nói, câu hát ngợi ca mùa hiến chương nhà giáo như “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, thầy cô là mẹ, là cha, là người dạy dỗ chúng ta suốt đời, cô giáo như mẹ hiền, là người mẹ thứ hai, yêu thương và dạy dỗ con nên người…” bởi công lao to lớn của người thầy, người cô là không gì so sánh được. Nhưng với tư cách là người đứng trên bục giảng, khi mùa hiến chương về, tôi lại có những băn khoăn: “ Mình đã thực sự là người thầy tốt? Là người thầy “mới”, là “người mẹ thứ hai” trong mắt những học sinh của mình chưa? Và phải làm gì đây để có thể xứng đáng là một người như thế?

          Có ai đó đã từng nói rằng “Một người thầy bình thường sẽ chỉ nói. Một người thầy giỏi sẽ giải thích. Một người thầy xuất sắc sẽ chứng minh điều mình nói còn người thầy vĩ đại sẽ là người truyền cảm hứng”. Với công nghệ 4.0 như bây giờ, khi mạng internet trở nên phổ biến và hàng loạt phương pháp dạy học mới, những bài giảng elearning được đăng tải, khối kiến thức đồ sộ về văn hóa, khoa học, công nghệ … cũng được ông “google” cung cấp một cách đầy đủ và bài bản nhất thì người thầy dẫu không dám nghĩ mình là người thầy vĩ đại cũng phải thay đổi phương pháp, thay đổi cách nghĩ  để có thể truyền cảm hứng đến mỗi học sinh.  Khi mà những kiến thức trong sách giáo khoa chỉ dừng ở mức cơ bản thì người thầy lúc này phải từ bỏ lối tư tưởng cũ là truyền thụ kiến thức một chiều: làm sao để khi gặp một bài tập đọc mới các em hoàn toàn chiếm lĩnh được nội dung, kể ra được từng ấy nhân vật mà bài học mang lại? Làm sao để sau khi học viết thư cho ông bà, các em có khả năng viết thư cho cô, cho bạn, cho anh chị về những nội dung khác nhau mà không chỉ chăm chăm vào những đề văn có trong văn mẫu và sách giáo khoa?  Làm sao để khi gặp một dạng toán mới, các em có phương pháp tư duy đi từ cái đã cho, tìm cái chưa biết và sáng tạo ra những cách giải mới chứ không phải thấy khó là mất bình tĩnh, rối như tơ vò và bỏ cuộc? Đó là cách truyền cảm hứng hay chính xác hơn là cách dạy học theo định hướng phát triển kĩ năng. Chỉ cần có kĩ năng, có định hướng đúng đắn từ người thầy thì dẫu có xuất hiện hàng trăm nội dung khác nhau sau cú click chuột các em vẫn sẽ chọn được những nội dung đúng đắn để tự học, tự bồi dưỡng bản thân mình.

          Tôi tự hỏi mình đã thực sự bỏ ngoài cửa lớp những vui buồn, hờn giận của bản thân, những lo lắng cơm áo, gạo tiền thường nhật để toàn tâm toàn ý đến với bài giảng chưa? Khó biết bao nhưng đấy lại là điều mà người thầy nào cũng phải hiểu. Mỗi một giờ giảng, một nụ cười, một ánh mắt âu yếm, kể cả một cử chỉ quan tâm rất nhỏ “Lạnh rồi, răng mặc áo mỏng vậy em?” quan trọng với học sinh chúng ta biết nhường nào. Một giờ học không tránh khỏi những nhắc nhở, than phiền nhưng xen lẫn vào đó nhưng câu nói hài hước, những cử chỉ vui vẻ của người thầy tiết học sẽ trôi qua nhẹ nhàng và dễ đi vào lòng học trò hơn cả. Qua rồi cái thời thầy cô đi vào lớp “Im lặng, học bài chưa? Hôm ni có ai không làm bài tập không?” mà thay vào đó là những câu hỏi nhẹ nhàng hơn “Hôm nay có ai quên làm bài tập không hè? Vì răng rứa em?” Đấy, đừng chăm chăm nghĩ về nhiệm vụ chúng ta giao là các em phải hoàn thành. Bởi có rất nhiều lí do có thể xảy ra. Hãy bình tĩnh tìm hiểu, hãy đặt mình vào vị trí của các em để có sự cảm thông và để sợi dây kết nối tình thầy trò trở nên thực sự gần gũi. Tại sao chúng ta cứ nghĩ rằng kết thúc một năm học phải có bao nhiêu % được khen, bao nhiêu % khá giỏi trong khi chúng ta đang thực hiện đánh giá vì sự tiến bộ của mỗi học sinh? Chỉ cần các em tiến bộ hơn các em ngày hôm qua đã là một điều quý giá. Đừng so sánh với bạn nọ, bạn kia “ ôi dào, em đó yếu lắm. Khi mô cũng chót lớp” bởi một cá thể là một vật báu của cha mẹ. Và cũng bởi mỗi một cá thể khác nhau nên sẽ có những mức độ tiếp thu khác nhau, bởi thế người thầy mới có trách nhiệm phân loại đối tượng học sinh. Các em không giỏi về mặt này ắt sẽ có thế mạnh về mặt khác. Chỉ một tiết sinh hoạt lớp mỗi tuần, đặc biệt khi lồng ghép giáo dục trải nghiệm vào tôi tin rằng  chúng ta sẽ phát hiện ra bao nhiêu nhân tài về hát, múa, vẽ mà bấy lâu không hề hay biết vì các em tự ti mình thua bạn, hay bị cô nhắc nhở nên lúc nào cũng rụt rè, không dám thể hiện trước đám đông. Cũng trong tiết sinh hoạt lớp thay vì bạn nọ, bạn kia tuần này quên mũ bảo hiểm, quên đeo khăn quàng người thầy nên  hướng các em đến những vấn đề thực tế: từ nhà em đến trường bao xa nhỉ? Đi qua những đoạn nào? Có mấy khúc cua, mấy chỗ rẽ hay có xe tốc hành qua lại? Đi làm sao cho an toàn nhất? Đi học về bạn nào quên chào ông, chào bà, chào bố mẹ?, rồi các em cũng sẽ được xem những video “quà tặng cuộc sống” với những bài học nhẹ nhàng, và cũng để hướng các em đến những vấn đề nhạy cảm như vệ sinh tuổi dậy thì, con trai khác gì so với con gái và cả những vấn đề xâm hại tình dục, bắt cóc trẻ em đang nóng như hiện nay. Các em đã từng được căn dặn ắt sẽ ít nhiều biết cách phòng tránh, cách kêu cứu khi gặp vấn đề. Đấy là cách người thầy hướng cho các em những kĩ năng mềm cần thiết phải có trong cuộc sống để khi ra ngoài xã hội, các em có thể tự tin, không lạc lõng, bối rối.

          Và rồi chúng ta cũng phải nỗ lực để hòa nhập với xu thế hiện nay. Cũng phải có facebook, có zalo để không chỉ trò chuyện với học sinh mà còn có thể trao đổi cùng phụ huynh về tình trạng của con mình. Rằng là khi có một vấn đề không may xảy ra, có thể học sinh ngã chúng ta đừng chăm chăm lo phụ huynh sẽ nói gì, mà hãy hiểu điều làm họ quan tâm nhất là con họ an toàn không? Vì thế đừng ngại ngần gọi họ đến ngay để có cách xử lí tối ưu nhất, đừng cố gắng tự lo, tự lau rửa vết thương rồi âm thầm theo dõi khi mình không có lấy một chút kĩ năng gì về y tế. Không một phụ huynh nào trách cô làm con họ ngã nhưng khi không xử lí kịp thời, để xảy ra hậu quả thì đó tất cả là lỗi của chúng ta. Rằng là khi học trò chúng ta đăng status trên facebook chúng ta có thể vào xem và bình luận. Và cũng thông qua kênh đó chúng ta sẽ biết thêm được nhiều về những thay đổi, những diễn biến tâm lí đang xảy ra với học sinh mình, nhất là học sinh cấp 2 có em đã biết yêu để có những lời khuyên, những lời tư vấn, định hướng kịp thời cho các em.

          Và có lẽ, quan trọng hơn tất cả vẫn là cái tâm của người thầy. Khi người thầy có cái tâm, ắt họ sẽ biết tìm tòi, học hỏi để mình có thể trở thành một người thầy “mới”, đủ bản lĩnh, đủ tự tin để dìu dắt các em. Và để trở thành một người thầy “mới” khó nhưng không phải chúng ta không làm được. Tôi cũng đang từng ngày cố gắng để có thể trở thành một người thầy như thế, dẫu biết rằng khó và cần nhiều thời gian bởi cuộc sống này luôn vận động, cái mới mỗi ngày đang dần phủ nhận cái cũ và việc học ấy sẽ không bao giờ ngừng, nhưng nếu không học tôi sợ mình sẽ bị bỏ lại phía sau.

          Tôi đã từng công tác tại một ngôi trường miền núi khó khăn. Cho đến tận bây giờ, đã bảy năm trôi qua nhưng những ánh mắt ngây thơ, những mái tóc bù xù khét mùi nắng lâu ngày không tắm gội, những bộ quần áo đen nhẻm, con đường đi học mười mấy cây số không có dép và cả con đường dài dằng dặc khi đồng nghiệp đến trường cứ ám ảnh mãi trong tôi. Vì điều kiện sức khỏe, tôi chuyển trường nên trong thâm tâm cảm thấy như mình mắc nợ các em. Tôi chẳng làm được gì cho những ánh mắt ấy. Tôi rất muốn làm một cái gì đó cho học sinh của mình. Có thể là quần áo cũ, có thể là xe đạp cũ, có thể là những chiếc mũ, những chiếc dây buộc tóc tồn kho xin ở các quầy hàng…Nhưng đến tận bây giờ tất cả vẫn chỉ nằm trong suy nghĩ. Và khi thấy đồng nghiệp của mình làm được rất, rất nhiều cho học sinh của họ tôi lại ước ao, lại nghĩ về những học sinh thân thương của mình và lại  thấy mình chưa tròn trách nhiệm của một người thầy.

          Mùa hiến chương này, tôi nghĩ rằng những tình cảm, những yêu thương mà học sinh, phụ huynh dành cho mình đã quá ấm áp, vì thế tôi không viết về mình, tôi chỉ suy nghĩ về những việc mà một người thầy như mình cần làm được để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui. Và tôi tin rằng, tất cả những người thầy đều, đã và đang nỗ lực mỗi ngày để theo kịp xu thế, đáp ứng nhu cầu giáo dục hiện nay. Nhân ngày 20 tháng 11, xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những ai đang đứng trên bục giảng, chúc cho chúng ta sẽ thực hiện vẻ vang sự nghiệp trồng người mà mình đã chọn.

Sưu tầm
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Đinh Đức Luận
Đinh Đức Luận
Hiệu trưởng
Trần Thị Tân
Trần Thị Tân
Hiệu phó
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG TIỂU HỌC SỐ 1 SEN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3953193 - Email: thso1senthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com